Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

  • Google+
  • LinkedIn
  • Pinterest
0
xemgiai1 - Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực 1930-1945. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông là những tháng ngày sống trong nghèo túng và bệnh tật nhưng Vũ Trọng Phụng luôn vượt lên trên hoàn cảnh để xứng đáng là “ ông vua phóng sự đất bắc”. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học lớn trong đó nổi trội nhất là tiểu thuyết và phóng sự.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận xét “ Số đỏ là cuốn tiểu thuyết có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. Vẻ đẹp nghệ thuật của tiểu thuyết “ Số đỏ” qua từng chương truyện nằm ở bút pháp trào phúng và ngòi bút châm biếm sắc sảo đạt đến trình độ bậc thầy của Vũ Trọng Phụng. Bút pháp trào phúng ấy được thể hiện ở việc lựa chọn tình huống, xây dựng chân dung và sử dụng giọng văn trào phúng.

“Hạnh phúc một tang gia” ( Trích từ chương XV trong tiểu thuyết) cái nhan đề tưởng như vô lý nhưng đã phơi trần bản chất hợm hĩnh, rởm đời, đạo đức giả trong xã hội thượng lưu. Tang gia mà lại hạnh phúc, với đa số người Việt đó là điều không tưởng. Người Việt vốn trọng lối sống nghĩa tình, phải chứng kiến cái cảnh biệt li, âm dương cách trở chỉ thấm đẫm nỗi buồn thương, đau xót. Tình huống mà Vũ Trọng Phụng lựa chọn không chỉ gây tiếng cười mà còn thể hiện sự châm biếm sâu cay với gia cấp tư sản thành thị. Một lễ tang cũng trở nên có giá trị, cũng mang lại hạnh phúc cho bất kỳ ai, đúng là chuyện  cười ra nước mắt.

Đoạn trích được mở ra bằng “cái chết thật của một ông già đáng chết”. Cả gia tài của ông đều nằm trong tờ di chúc đã đến lúc được thực thi chứ không còn trên lý thuyết nữa.Và vì vậy,  con cháu của người đã khuất mỗi người lại mang một hạnh phúc riêng, hạnh phúc có thật. Cái nhan đề tưởng như mâu thuẫn, phi lý lại gợi sự tò mò cho người đọc. Nhà văn đã khéo léo tạo ra những mâu thuẫn và phóng to cho người đọc nhận thấy đó là mâu thuẫn giữa thật và giả. Trong cái xã hội “Số đỏ” thì không gì không làm giả được. Xuân tóc đỏ từ một kẻ trèo me, trèo sấu, bán phá xa, nhặt bóng sân quần vợt… cũng nhờ “ Số đỏ” mà được đưa lên vinh quang tột đỉnh, trở thành “ anh hùng cứu quốc”, “vĩ nhân”. Giọng điệu châm biếm của tác giả thật sâu cay, âu hoá rởm, tôn giáo rởm… và những chuyện buồn đau, tang chế cũng rởm. Dưới ngòi bút tinh tường, sắc sảo của nhà văn, tất cả cuối cùng cũng trở lại đúng với bản chất của nó.

 Cảnh đám ma và sự chuẩn bị tang gia lủng củng, dài dòng, hơi tây rất  bối rối đúng “mốt” của gia đình cụ cố Hồng khiến chúng ta cười ra nước mắt. Đây đúng là “một đám ma to tát, gương mẫu”  thể hiện rõ cái riêng và chung trong niềm “ hạnh phúc” tang gia. Cái chung ở đây là niềm hạnh phúc đến bất ngờ chung cho đại gia đình không trừ một ai. Điều này toát lên từ ngôn ngữ được thể hiện khá dày đặc “ cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm” hay “ tang gia ai cũng vui vẻ cả” … Và trong “ hạnh phúc” chung của đại gia đình  mỗi người lại có cho mình  một niềm vui sâu kín, riêng tư.

 Cụ cố Hồng con trai trưởng của người đã khuất từ khi bố trút hơi thở cuối cùng đến khi làm lễ phát phục nói đúng 1872 lần câu “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi”  hút hết hơn 60 điếu thuốc phiện.  Nhiều lúc thấy ông ta lim dim đôi mắt đó là khi ông ta nghĩ đến cảnh thiên hạ thấy mình sau xe tang thì khen “ con giai lớn đã già thế kia rồi cơ à” Giọt nước mắt vì vui sướng của cụ cố phơi bày bản chất cổ hủ, hợm đời. Ông Phán mọc sừng cháu rể người đã khuất khi hạ huyệt khóc ba tiếng “ hứt, hứt, hứt” nghe vừa đau xót vừa buồn cười bởi giữa lúc tang gia người ta nghe tiếng khóc chẳng khác nào tiếng chửi. Ông Phán tự hào vì cặp sừng được cắm lên đầu và chỉ biết đến tiền ngay cả trong giờ phút đau đớn nhất khiến người ta cảm thấy đáng sợ. Cô Tuyết cháu gái người đã khuất hạnh phúc khi nhân dịp đám tang được mặc bộ đồ xô gai, thời trang và tạo vẻ hờ hững, ngây thơ, buồn lãng mạn.  Để cho thiên hạ biết mình chưa đánh mất cả chữ “ trinh”. Vậy là cái chết của ông đã cơ hội cho cô cháu gái “ chiêu tuyết”  sự trong trắng của mình. Người chết ở đây chắc không thể yên lòng nhắm mắt trước sự vô đạo đức của đám con cháu mình.

 Với những ông tai to, mặt lớn thì đây là dịp khoe huân chương, các loại râu ria với nam thanh, nữ lịch. Đây là dịp hẹn hò, tán tỉnh để đạt được dục vọng của mình. Sự ra đi đột ngột của một người khiến cho rất nhiều người cùng chung vui hạnh phúc. Gia đình bối rối không phải vì đau đớn mà vì hạnh phúc của họ chưa được thoả mãn trọn vẹn.  Tình huống trào phúng thú vị và chân dung trào phúng dưới ngòi bút tài hoa của Vũ Trọng Phụng cũng được tác giả miêu tả đặc sắc không kém. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng đi sâu vào những điều trái khoáy, nghịch lý, ngược đời để phát hiện, diễn tả những mâu thuẫn tạo ra tiếng cười.Sự kết hợp miêu tả những sắc thái riêng với cái chung cũng là sự kết hợp miêu tả toàn cảnh với cận cảnh làm cho bức tranh tang gia thêm sinh động, hài hước và phê phán sâu sắc.  Vẫn biết tác giả hư cấu nhưng ta thấy mọi chuyện như diễn ra trước mắt, như đang sống và chứng kiến những ngang trái ở đời.

Đám tang nhốn nháo làm thức tỉnh cả thành phố vốn bình yên. Tạo công ăn việc làm cho những người bán hàng, viên cảnh sát đang “ buồn như nhà buôn vỡ nợ” vì không có việc thì được khổ chủ thuê giữ an ninh trật tự cho tang lễ. Hai lang băm nổi tiếng Hà Thành lại vô lương khi từ chối chạy chữa để cho cụ cố tổ chết. Nhà văn đặt những câu chứa đựng nhiều mâu thuẫn trào phúng ví như nhan đề “ hạnh phúc một tang gia” hay hay câu “ thuốc thánh đền Bia công hiệu đến nỗi họ mất mạng”. Ông sử dụng khá thành công lối nói ngược thâm thuý “ Cái chết kia làm nhiều người sung sướng lắm” và “ tang gia ai cũng vui vẻ cả”.

Đám tang hỗn tạp bởi các loại kèn tây, kèn ta, ồn ào, huyên náo nhưng lại thiếu hẳn điều cốt yếu để hình thành đó là sự thương tiếc, chân thành. Nước mắt tiễn đưa người đã khuất chỉ là sự giả dối, tình người, tình thân không tồn tại, sự tàn nhẫn, dối trá che lấp chữ “ hiếu”.Máy ghi hình ghi lại sắc nét toàn cảnh tang gia để tăng thêm phần sang trọng thực chất là tự lừa mình, lừa người. Sự lố lăng của đám tang, lấy cái vẻ bề ngoài che đậy bản chất xấu xa, thối nát nát đến tàn nhẫn được xã hội thời ấy mặc nhiên công nhận. Sự xấu xa, vô nhân đó không phải chỉ ở một nhóm người mà có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí toàn xã hội thực dân phong kiến  … Văn phong Vũ Trọng Phụng sâu cay khiến tiếng cười mỉa mai, chua xót hơn. Bức tranh đám tang cụ cố tổ bởi thế mà chân thực, rõ nét hơn.

Vẻ đẹp nghệ thuật của đoạn trích “ hạnh phúc một tang gia” trong số đỏ của Vũ Trọng Phụng được thể rõ nét qua bút pháp trào phúng đạt trình độ bậc thầy. Đây cũng là phong cách tiêu biểu tạo nên tên tuổi của nhà văn trên văn đàn dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *