Phân tích chi tiết Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

  • Google+
  • LinkedIn
  • Pinterest
0
xemgiai1 - Phân tích chi tiết Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Phân tích chi tiết Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Ai đó từng nói yêu là mù quáng. Nhưng đằng sau sự mù quáng ấy còn biết bao nhiêu cơ sự khác mà không giấy bút nào có thể phân tích hay giãi bày được hết. Và người ta vẫn thường nhắc đến mối tình của Chí Phèo – Thị Nở như một câu chuyện hài hước về tình yêu dang dở, trái ngang. Nhà văn Nam Cao đã để cho một người dở hơi, xấu xí, ế chồng, còn một kẻ say xỉn triền miên, sống bằng nghề ăn vạ và ăn xin, hai con người ở tận cùng đáy của xã hội gặp nhau, yêu nhau trong tình cờ, chớp nhoáng. Nhưng ai đâu biết rằng, hạnh phúc mong manh ấy chẳng được bao lâu, thị quay mặt đi cự tuyệt Chí sau những ân cần, săn sóc thật lòng thị dành cho Chí. Đau khổ, tuyệt vọng vì bị người yêu cự tuyệt, một lần nữa Chí rơi vào hố sâu của hận thù và khổ đau.

Cặp đôi “trời sinh” ấy bước ra từ tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, viết về hiện thực cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ, cùng quẫn trong xã hội cũ. Chí Phèo là điển hình cho những kiếp người vì khổ quá, vì nghèo quá mà đánh mất cả nhân cách và tâm hồn. Họ liên tục bị đẩy vào vòng luẩn quẩn của tội lỗi, của hận thù, cho đến cuối cùng, niềm khát khao được sống, được yêu lên đến đỉnh điểm, họ chọn cho mình một cái chết bi thương. Như Chí đã gào thét trong tuyệt vọng, rồi đi đến cái chết để mong được giữ bản thân mình không lấn sâu thêm vào tội lỗi nữa.

Chí chết, nhưng cái chết vẫn chưa phải là lúc đau khổ nhất, mà đau khổ nhất chính là giây phút Chí bị người yêu cự tuyệt. Giữa lúc Chí còn đang tỉnh táo, đang mơ màng nghĩ đến chuyện tương lai với thị, giữa lúc hình ảnh một gia đình nhỏ bé với những đứa con thật đầm ấm, hạnh phúc đang chấp chới trong đầu Chí, thì thị lại xuất hiện phá tan tất cả những điều tốt đẹp Chí đang hướng tới. Tại sao vậy? Tại sao đang yêu nhau thắm thiết, đang hạnh phúc vui vẻ, thị lại dở mặt với Chí? Vừa mới đây thôi, thị còn cười duyên lắm, tình tứ lắm, vậy mà giờ đây, chính thị lại là người trút những lời nói phũ phàng vào mặt Chí. Hơi cháo hành còn chưa bay xa mà thị đã vội vàng ngoa ngoắt, làm lòng Chí quặn thắt đớn đau. Chí ngây ngô chẳng hiểu chuyện gì. Chỉ thấy người yêu đang đùng đùng nổi giận. Còn thị sau khi trút giận hả hê, “thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về. Hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại! Còn muốn lôi thôi cái gì? Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân”. Sao không phải là nụ cười duyên ngày hôm qua, cũng không phải cái lườm yêu yêu, ngượng ngùng mà là sự bẽ bàng, nghiệt ngã trong từng câu nói thị trút ra. Hụt hẫng, đớn đau và tuyệt vọng, một người đã dành hết tình yêu và niềm tin khi yêu như Chí, giờ đây nhận lại quả đắng thật đáng thương biết chừng nào.

Sự cự tuyệt của thị đã mang đến nỗi đau khổ lớn lao cho Chí. Có thể cả hai không hiểu thế nào là tình yêu, bởi họ đến với nhau trong cơn say và chớp nhoáng, trong sự ngù ngờ nhưng không phải mất ý thức tự chủ. Cũng có thể họ đến với nhau vì ham mê xác thịt, nhưng sau khi thỏa mãn, những gì Chí nhận lại không chỉ là sự khoái lạc mà còn là cả một bầu trời đầy niềm tin và hi vọng. Rõ ràng, sự săn sóc của thị, nhất là bát cháo hành đã làm Chí thức tỉnh sau cơn say dài triền miên. Sự sống như hồi sinh trong con người đã làm biết bao nhiêu điều ác để tồn tại, để sống. Chí không muốn sống như thế nữa. Chí muốn làm hòa với mọi người, muốn có được một gia đình nhỏ bé như ngày nào Chí ước mơ. Giờ đây gặp thị, Chí sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở ấy. Nhưng thôi rồi! Thị đã cự tuyệt Chí. Bàn tay thị mới hôm qua vực dậy Chí từ dưới vực thẳm tăm tối lên bến bờ hi vọng chói lòa, nay cũng chính bàn tay ấy ẩn giúi Chí ngã lăn khoèo xuống đất. Chí ngã, đồng nghĩa với việc ngã vào tuyêt vọng. Chí không biết phải làm gì vào lúc này nữa. Cái thói quen ăn vạ lại trỗi dậy. Nhưng ăn vạ với ai bây giờ? Với thị chăng? Thị đã quay đi mất rồi. Chỉ còn mình Chí nằm đấy với hơi cháo hành thoang thoảng đâu đây lẫn với men rượu khiến chí càng uống càng tỉnh. Chí muốn uống cho say, cho quên đi hết lẽ đời, quên đi cả những ngày hạnh phúc sum vầy bên thị. Chẳng lẽ cuộc đời Chí chỉ đến thế thôi sao? Ngay cả một người đàn bà dở hơi, xấu xí cũng không chấp nhận Chí nữa sao?

Sự cự tuyệt của thị không đơn thuần chỉ là sự chối từ của tình yêu, mà còn là nỗi đau ghê gớm động chạm đến quyền làm người của một kẻ đã quá khổ như Chí. Bởi đáng lẽ thị không làm vậy đâu, nhưng thị nhớ ra mình còn có người bà cô ở đời. Thị phải dừng yêu về hỏi ý kiến bà đã. Đương nhiên người bà độc ác ấy làm sao có thể để cháu mình lấy thằng Chí Phèo – cái thằng chuyên đi rạch mặt ăn vạ, cái thằng khốn nạn không còn tính người. Đến ngay cả thị là người dở hơi, xấu xí như thế, Chí còn không “xứng đôi” thì không hiểu ai mới có thể “môn đăng hậu đối” với Chí được? Chẳng còn ai cả. Trong con mắt của bà cô, của dân làng Vũ Đại, Chí đâu phải là một con người nữa. Chí là một con quỷ dữ. Chỉ có thị mới biết Chí đã làm người như thế nào. Trong mấy ngày ở cùng Chí, thị đã cảm nhận được Chí hiền lành lắm, đâu có dữ tợn như mọi người thường thấy. Thị còn ăn chung, ngủ chung với Chí mà. Nếu Chí là quỷ dữ, thì làm sao Chí biết cảm nhận những hương vị của cuộc sống xung quanh? Làm sao Chí biết mơ ước về một gia đình bé nhỏ?… Tất cả những điều ấy chính thị đã chứng kiến. Nhưng thật đáng buồn là thị lại dở hơi. Thị không có quyền quyết định hành vi của mình. Những thành kiến của mọi người và những lề lối của xã hội cũ đã làm thị phải cự tuyệt tình yêu của Chí.

Mọi niềm vui và ước mơ trong Chí bỗng chốc bị thị dập tắt. Chí lại chìm vào men rượu. Nhưng lần này, Chí càng uống càng tỉnh. Chí đã nhận thức được bản thân mình và ý thức được mình cần phải làm gì. Chí tìm đến Bá Kiến, Chí đòi làm người lương thiện. Chí giết Bá Kiến, giết chết kẻ đã đẩy Chí vào tình cảnh đớn đau này. Thị cự tuyệt Chí, chỉ là sự chia tay của một tình yêu trai gái, nhưng chính sự kiện ấy đã làm đòn bẩy cho Chí trỗi dậy và quyết định hành vi ngay lúc này của mình: giết chết Bá Kiến. Sau đó, Chí cũng tự tử để không phải bị lãnh án vì đã giết người.

Như vậy, việc Thị Nở cự tuyệt Chí mặc dù gây đớn đau cho Chí – cho một kẻ đã yêu và tin hết mình, nhưng cũng chính nhờ sự kiện ấy, Chí tìm lại cho mình lẽ sống đích thực. Dù có phải chết, nhưng chết để không phải tiếp tục lún sâu vào vũng bùn tăm tối mà Bá Kiến và những kẻ tàn ác như hắn đã gây nên. Nhà văn Nam Cao đã rất thành công khi đưa chi tiết này vào làm xáo trộn cuộc đời Chí, làm người đọc vừa xót thương vừa cảm thông cho những kiếp người vì khổ quá mà đánh mất cả nhân cách của chính mình. Chí không ác, chỉ là không có cơ hội để làm người lương thiện. Thị cũng vậy, thị có yêu Chí, nhưng vì người cô, và cũng vì xã hội mà phải cự tuyệt với người mình yêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *